Monday, July 6, 2020

Đền Nghè

Chuyện làng.
Đền Nghè.

Làng tôi là Đan Hà, làng bên cạnh là làng Đan Thượng. Làng tôi về phía tây và nam giáp làng Đan Thượng, phía tây bắc giáp làng Trà nay gọi là Liên Phương, Phía bắc giáp làng Hậu Bổng Đông bắc lại giáp với Yên Bái còn phía Đông giáp với làng Đại phạm chiến khu 10. Phía đông nam giáp với làng Lệnh khanh. Về lịch sử xa xưa thì hai làng Đan Hà Đan thượng gốc rễ với nhau nhiều lắm. Bà nội tôi cũng là người làng Đan Thượng. Họ hàng nhà tôi ở các làng bên thì nhiều lắm nhưng cũng xa xa rồi. Hai làng chung nhau cái đền Nghè trên đỉnh gò con Tượng. Điều kì lạ là đứng ở cửa tam quan ngôi đền Nghè chiếu thẳng ra thì về phía trái là đất làng Đan Hà, phía bên phải là làng Đan Thượng. Đứng ở cửa đền chung cho hai làng này nhìn hai làng đẹp lắm. Ruộng đồng nhà của êm đềm dưới chân dãy gò hình con voi phục. Những là vườn đồi hoa trái phì nhiêu , nhìn con sông Hồng và thuyền bè rõ mồn một. Kể các cụ xây ngôi đền này thật giỏi. Thật công bình cho mọi nhẽ.
Đền Nghè thờ chung cho cả hai làng nhưng đình thì mỗi làng đều có đình riêng. NGười ta gọi là đình công đồng. Đình làng tôi ở giữa Đầm Hà có con đường cái quan chạy lên Đền Nghè sang làng Đan Thượng.
Sở dĩ hôm nay tôi viết cái sự Đền Đình ở làng tôi vì kể từ ngày Ngày 17 tháng 12 năm 2019, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 3 xã Hậu Bổng, Liên Phương, Đan Hà vào xã Đan Thượng. Xã Đan Hà lại trỏ thành làng Đan Hà như hồi Pháp trị.
Trước khi sáp nhập, xã Hậu Bổng có diện tích 6,44 km², dân số là 1.950 người, mật độ dân số đạt 303 người/km². Xã Liên Phương có diện tích 4,14 km², dân số là 2.224 người, mật độ dân số đạt 537 người/km². Xã Đan Hà có diện tích 6,00 km², dân số là 2.382 người, mật độ dân số đạt 397 người/km². Xã Đan Thượng có diện tích 3,26 km², dân số là 2.590 người, mật độ dân số đạt 794 người/km².
Sự việc nhập tách là của chính quyền quan trên. Điều tôi muốn là viết về sự nề nếp tế lễ cúng bái ở đền và đình làng để rồi con cháu Làng Đan Hà hay Đan Thượng chí ít cũng biết về ngôi đền Nghè mà làng mình đang thờ cúng.

Trước hết người làng Đan đừng nhầm mà gọi là đình Nghè. Mà phải là Đền Nghè. Năm 1938 hương lí kì mục làng Đan Thượng cho biết.
Đền Nghè thuộc tổng Đan Thượng thờ Cao Sơn Đại Vương nhưng sự tích ngày sinh ngày hóa hoặc hiển thánh về đời nào cũng như sự tích dẹp giặc hay khai hoang lập ấp đắp đê dạy dân nghề nghiệp gì thì đều không có hoặc lâu năm quá mà không rõ.
Nhưng điều đáng chú ý là ngôi đền này có 5 đạo sắc phong; Cũng từ năm đạo sắc này ta có thể đoán được ngôi đền này ít nhất đã là bao nhiêu năm.

1/ Trước hết nói về hình thái vị trí, kết cấu đền Nghè
Đền được xây dựng nằm trong xã Đan Thượng ngày nay có tọa độ: 21°37′20″B 104°56′21″Đ
- tục truyền rằng : Đây là xứ gò Nghè ở trên một quả kiêu nổi lên. Phía trong là làng Đan Hà. Phía bên ngoài thì là làng Đan Thượng dân cư hai làng châu vào mà ở chầu lấy quả gò ấy. Kể lại rằng cái quả gò ấy rất nhiều cây cổ thụ rất nhiều muông thú.
NGày trước hai làng dựng cột gỗ chắc làm thành 5 gian thờ theo chiều dọc
Gian thứ nhất : Ở trên hạ ván lịa, xung quanh làm cung ngoài có bốn buồng có cửa bức bàn sơn son. Hai bên đầu cung cũng mở cửa hai cánh có khóa đuôi chuột. ở đằng sau có một bức tường gạch xây áp vào mái cung chia ra hai bên có đắp hai con hổ. Một con đi một con thì ngồi . Thẳng trên cung xuống chính giữa xây cái bệ để ngày tế lễ bày cỗ cũng.
Gian thứ hai . Áp xà giồng xuống chính giữa xây một cái hương án. Trên án có bát hương từ đời cổ .
Gian thứ ba để không
Gian thứ tư Hai bên xây hai cái đẳng để lúc tế bày đèn hương khay đài..
Gian thứ năm : Bên tay tả xây một cái bệ hai cấp để bày cỗ lễ quan đương niên trụ thân ngôi đền ấy. Đề dựng bằng gỗ tốt chắc khỏe mái lợp lá cọ. Đến năm Minh mạng thứ 13 ( 1833) hai làng bổ thu rồi xin phép trên y cho được lợp ngói và lát gạch nền, Ngoài cửa xây tiền đài xây sân sửa sang trông thật ngoạn mục vẻ tôn nghiêm linh tự sầm uất lắm.
TỤc truyền và cho đến hiện tại cấm không được làm nhà gần đền cấm vỡ vạc đào xẻ gần đèn làm vỡ long mạch. Hàng năm cứ đến ba mươi tết khoảng 12 giờ đêm tế giao thừa xong cho đến 1 giò đêm mồng 6 sang ngày mồng 7 tháng giêng thì hai làng Đan Thượng Đan Hà đều phải sự hèm cấm không được sát sinh( như mổ súc vật) . Trong đêm tế lễ mùng 6 sang mùng 7 kể từ 1 giờ đêm mỗi làng có sự gì bàn định hay ăn uống phải mang về đình làng mình không được ở lại đền, trái sự này thì năm ấy sẽ làm ăn không yên.
Tế lễ ở đền mỗi năm chỉ vào đêm mồng 6 sang rạng sáng mồng 7 tháng giêng mà thôi. Còn mỗi năm mỗi làng còn có hai cái tế lễ nữa là ngày 9 mồng 10 tháng 2 và ngày mồng 2 tháng 8 thì tế lễ ở đình làng riêng, Gọi là đình công đồng.
2/ Cúng Tế và Lễ :
Tế :
Đêm mồng 6 rạng mồng 7 tháng giêng thì Tế ỏ đề Nghè.
Ngày mồng 9 mông 10 tháng 2 và ngày mồng 2 tháng tháng 8 thì tế ở đình công đồng( đình riêng của hai làng (Đan Thượng , Đan Hà)
Cúng:
Các ngày thường ngày chạp hay ngày hội họp làng thì chỉ cúng thôi. Cúng tại đình làng.
Các sự kiện dân sự như ốm đau, dịch lệ, cưới xin, khao vọng, kỷ phúc tùy tâm, phong kiện bày thành một ván đem đến đình công đồng dâng cúng.
Lễ :
Lễ hoặc thịt trâu , bò , lợn , gà, còn ngoài ra không được đem thứ thịt gì khác mà lễ.
Lưu ý : Trong các ngày tế lễ hôm trước dùng lợn hôm sau dung lợn, nhưng đêm thì dung gà xôi rượu trầu cau hương đăng. Riêng đêm mồng 6 tháng giêng là hèm, phải kén chọn một con lợn đen tuyền. Phải mua chọn ở nhà nào mà gia chủ phải sạch sẽ ( nghĩa là không có tang chở, thai nghén, ) Từ năm 1921 cải lương đến giờ cũng có thay đổi. Lợn chừng 80 ki lô pha bày bốn cỗ hết cả con luôn.
Cử Lễ:
Hai làng phải chọn ra 4 người khỏe mạnh tráng kiện để sửa soạn . Sắp đến ngày cử hành lễ làng nào làng nấy kiểm kê từ hương ẩm đến kì lão xem có bao nhiêu người để tính khoản đóng góp rồi giao cho 4 người trên mua sắm sửa soạn việc lễ nghi ấy cho làng. Sang năm sau lại cử 4 người khác cứ lần lượt mà tiến hành.
Tế lễ xong, tất cả đồ lễ ( hoặc trâu bò lợn gà xôi rượu ) làng giao cho 2 người xã dịch đem quân phân hết theo danh sách hương ẩm ( từ ẵm ngửa cho đến kì lão) rồi hoặc ăn uống hay chia phần cho người vắng mặt một cách công minh.
Lại nói về danh sách được dự lễ trong làng.
Trong làng hễ có tên trong sổ hương ẩm đều được dự cả. Duy có sau này mỹ tục tấn tới thì có những sửa đổi. Người dân nào khá giả tấn tới thi cử đỗ đạt cao hoặc thăng quan tiến chức hay thưởng công trạng gì đó kể cả người bỏ tiền ra mua vị thứ của làng mà tổ chức khao vọng cho làng mà đều thuận thì cả làng cùng dự. Còn có sự không thuận thì chiểu theo kiêu hạ mà biểu cử để có danh sách được dự lễ khao .


3 Nói về các đạo sắc phong :
Đền Nghè có 5 đạo sắc phong dưới đây:

-Sắc phong Tự Đức (嗣德) năm thứ sáu tháng giêng ngày mười một ( Tức năm 1838 )
-Sắc phong Tự Đức năm thứ 33 ngày hai mươi bốn tháng mười một
- Sắc phong Đồng Khánh năm thứ hai, tháng bảy ngày mồng một
- Sắc phong Duy Tân năm thứ 3 , tháng tám ngày mười một
- Sắc phong Khải Định năm thứ chin tháng bảy ngày hai mươi lăm.

Như vậy ít nhất ngôi đền Nghè phải ra đời trước năm 1833 kể từ khi hai làng lợp ngói thay cho lợp lá cọ và xây nền gạch cho ngôi đền này. Tôi cho rằng ít nhất phải có trước đó cả dăm chục năm mới có thể có sắc phong. Vậy đến nay đền Nghè phải ở tuổi gần 300 năm.
Cũng theo trình báo của Kì mục, Hương lí làng Đan Thượng lên Quan trên ( Quan Huyện Hạ Hòa ) năm 1938 về tờ sức số 536 về khảo cứu thờ thần tại địa phương thì cùng với thần Cao Sơn Đại Vương còn có Tả thất vị Phật lang sơn thần. Bên hữu có nhất vị Cầm cường đại thần và bát vị tả hữu đại thần cùng giúp đỡ Cao Sơn Đại Vương. Cao sơn đại vương là vị thần duy nhất từ trước tới nay nhân dân địa phương này thờ ngài chứ chưa hề thờ một vị thần nào khác.


Điều đặc biệt lưu ý là ngôi đền này là đền chung, thờ và tế lễ chung của hai làng Đan Hà và Đan Thượng từ khi lập nên đến nay.
Ngày tế lễ là đêm mùng 6 tháng giêng đến sáng mùng 7 tháng giêng hàng năm.
Còn tiêp
( Bài sau sẽ nói về cách thức tế lễ tại đền Nghè Đan Thượng)
Đền Nghè ( Tiếp theo)

.........
3/ Tế Lễ;
TRưởng tế : Phàm người dân nào trong làng từ phó lý trở lên đến người thi trúng đại khoa, tiểu khoa trong danh sách hương ẩm của làng mà xét thấy không tang chở, không thai nghén, không can cớ vi phạm kỉ luật của quan trên qui định, có am hiểu húy thần, biết chữ Hán, được lòng dân mới được làm trưởng tế.
Hành văn : Những người từ 18 tuổi trỏ lên đã có thẻ thân mà trong nhà cũng quang sạch như trên mới được dân làng cắt cử làm chấp sự, hành lễ, hành văn, đọc trúc.
Nội dung :
Trước và trong khi hành lễ những người được dự vào việc tế lễ đều phải kiêng khem tinh khiết. ( Tắm gội giữ gìn chải chuốt thân thể, sắm sửa mũ áo văn hài quần áo chỉnh tề) .
Khoảng 12 giờ đêm mùng 6 tháng giêng ( mồng sáu tết) hai làng cử giai tân võng lợn đen tuyền lên đền Nghè . Hai viên tế chủ mật khẩn ( xin) tế tỉnh sinh . Các giai tân mang lợn đen ra sân đền thi cắt hai cái sỏ , hai cái đuôi, 8 cái chân đem đệ lên cái bệ để cúng tế còn hai cái thân con lợn mổ thành 8 cỗ thờ đệ lên trên cung để cúng tế ngài.

Khi làm lễ người chủ tế và những người hành văn đọc trúc mặc quần trắng áo thụng xanh đầu đội mũ chân đeo văn hài hoặc đi hia còn các viên chấp sự hành lễ đều mặc áo thụng xanh hoặc áo thụng đen quần trắng, đầu chít khăn thâm .

Những điều kiêng húy: Trong khi hành lễ, đọc trúc, tuyệt đối không đọc hoặc nói đến những húy của ngài. Đó là 6 chữ : CAO SƠN, PHẬT LANG, CẦM CƯỜNG.

Người mà phạm lỗi đối với thần hoặc vô lễ với hương tục thì phải vạ. Vạ là phải đem trầu cau ra công đình nhân ngày tuần tư mà xin lỗi làng. Những năm đầu thế kỉ hai mươi Làng Đan THượng và Đan Hà bày ra qui định nếu ai bị vạ thì phải nộp vạ từ 0đ,2 đến 0đ,5 nộp xung vào công quĩ ngay tại chốn đình trung trước mắt mọi người dân để làm gương cho người khác không lặp lại những lỗi lầm như thế nữa.

Việc phạt vạ chủ yếu để răn dậy dân chúng sinh hoạt chốn đình trung hay trong hiếu hỉ đừng có quá chén mà sinh ra nhầm nhỡ mà thành lỗi . Việc phạt vạ này nó ngăn ngừa những kẻ vô hạnh hay quá chén bậy bạ đó mà thôi. Tất cả các trường hợp trên phải được hương lí làm biên bản cụ thể trình quan trên tránh để dân oan.
VIệc cúng tế cho đến nay vẫn theo cổ tục mà thi hành chứ không nên thay đổi điều gì. ( kể từ sau năm 1954 đến hết thế kỉ 20 hầu như việc tế lễ đã bị bỏ quên . Dân hai làng vẫn luôn nhớ về tục xưa mà tiếc nuối )

Trải qua mấy chục năm biến đổi nay đình chùa hai làng Đan Thượng Đan Hà cũng như làng Hậu Bổng và Liên Phương chả còn nguyên vẹn. Duy chỉ còn ngôi đền Nghè là còn đó nhưng xuống cấp. Cho đến những năm chín mươi của thế kỉ hai mươi được nhiều con dân hai làng góp công của trùng tu đặc biệt là bầu đoàn nhà ông Trần Đình Tự ở xóm Dậm làng Đan Hà và một số người khác ở hai làng tâm thành cung kính mà dâng lên sang sửa. Cũng phải nói sau gần nửa thế kỉ bỏ bễ nay chính quyền hai xã đã quan tâm tạo điều kiện để chỉ đạo nhân dân lập ban trị sự mà giữ gìn trùng tu ngôi đền Nghè của Tổng Đan Thượng ngày xưa.
Lại nói nỗi niềm người xưa không được như mong muốn mà xót xa. Nửa thế kỉ đã qua nhân việc bài trừ mê tín dị đoan mà làm quá tả đến nỗi phá sạch đình chùa miếu mạo rồi lại để cho dân đào đắp, xẻ đất làm nhà chặt cây cổ thụ khu vực gò Nghè. Long mạch hai làng tất không còn nguyên vẹn. Đình công đồng hai làng bị dỡ bỏ, miếu chùa cũng bị phá đi. Dân làng tiếc nuối khôn nguôi. Sự phá mất đình chùa là nỗi đau nhiều thế kỉ cho quê tôi. Làng không còn đình thì làng mất đi hội tụ vượng khí, thì lấy đâu mà thăng hoa phát đạt. Buồn lắm thay. Những cây Lụ cổ thụ ở cửa đền Nghè, những cây đa xum xuê trên gò tượng, rừng Trám cổ thụ xanh ngút ngát và cái giếng đền nước không bao giờ cạn ở chân dốc phía làng Đan Thượng như sự linh thiêng của lòng dân gửi gắm nay mãi mãi không trở lại.

Tôi, người viết bài này sinh ra và lớn lên ở mảnh vườn đồi ven đầm Hà, bây giờ là Trụ sở UBND xã Đan Thượng mới. Khi còn nhỏ từ nhà tôi nhìn ra đầm Hà là thấy ngôi đình to tướng soi bóng xuống đầm nước lung linh. Nhìn qua đầm vượt mái đình làng là sang gò Nghè thấy thấp thoáng đền Nghè sau tán lá hai cây Lụ cổ thụ. Đi đâu xa người làng tôi về đến đỉnh dốc đền Nghè là ấm lòng khi nhìn thấy mái đình làng mình và đầm nước rung rinh những cò vạc ven bờ.

Chia tách rồi xáp hợp như sự thay áo thay quần chứ chả mới gì với quê tôi. Từ Tổng Đan Thượng chia ra làm 4 xã Đan Thượng, Đan Hà , Hậu Bổng , Liên Phương nay quá nửa thế kỉ lại nhập nó về làm một. Chỉ nỗi lòng con dân là nuối tiếc bao nhiêu lệ tục nếp sống gắn bó tốt đẹp khi xưa đã mai một đã trở thành mơ ước.
Nguyễn Trọng Luân.

Hà Nội 11/ 2/ 2020

No comments:

Post a Comment