Monday, July 6, 2020

CHUYỆN CỦA NHỮNG NGÀY ĐẦU THỐNG NHẤT.


Lâu nay khi kể về ngày đầu tiên giải phóng Sài Gòn tôi ít kể tới chuyện tôi đã gặp những người đầu tiên ở Sài Gòn thế nào, cảm giác của tôi ra sao với người Sài Gòn. Thời gian đã qua đi gần nửa thế kỉ nhưng những người tôi gặp trong ngày 30/4 và sáng 1/5 ở Sài gòn thì tôi nhớ rất rõ và chuyện mới như ngày hôm qua.
Trưa 30/4 / 1975. Sau lúc quân ta đã cắm cờ trong dinh Độc Lập, tiểu đoàn tôi rải quân dọc đường Phan Đình Phùng ( Nguyễn Đình Chiểu bây giờ) và đường Trần quí Cáp ( Võ Van Tần bây giờ) cổng trường Lê Quí Đôn . . Tiểu đội trinh sát của tôi đóng lại tại căn nhà 162 Phan Đình Phùng của một Luật sư tên là Lê Tất Hào đã di tản.( Tôi nhớ vậy là ở cửa có cái biển đồng ghi như thế)
Đêm 30/4 bình yên, thành phố thật đẹp và mát mẻ. Đêm ấy Sài Gòn chỉ những là bộ đội. Đêm ấy tôi cùng tiểu đội lấy được 5 cái xe con dấu vào nhà thi đấu Phan Đình Phùng bây giờ. Không hiểu sao bọn tôi lại phát hiện trong trung tâm thể thao này có một kho gạo. Loại gạo ngon đặc biệt. Tôi báo cho trung đoàn và tôi nhớ là trung đoàn đã vận chuyển số gạo này về Củ Chi. Trung đoàn 64 trong những tháng đầu giải phóng chỉ ăn một thứ gạo ngon đặc biệt. Nghe đâu đến tháng 9 là hết. Tuy vậy Sư đoàn cũng không hề biết.
Sáng 1/5 / 1975
từ mờ sáng đã xuất hiện từng đoàn học sinh sinh viên cầm cờ đỏ sao vàng nhỏ trên tay đi khắp mọi đường phố hô vang những câu khẩu hiệu chào mừng giải phóng. Dọc các đường phố các chú bộ đội trẻ măng mặt mũi lấm lem ngây ngô ra đứng nhìn các thiếu nữ xinh đẹp trên đường. Sáng ấy tôi mải mê ngắm thành phố sau một đêm gần như thức trắng viết bài hát " Chúng con hát tên Người thành phố Hồ Chí Minh" tôi ra ban công nhìn thành phố rợp cờ hoa. Bên phải ngôi nhà tôi ở là tiểu đoàn bộ ở. Các cô gái quần Jean áo pul vây quanh mấy thằng anh nuôi D bộ. Họ hỏi nhiều lắm mà các lính ta chỉ gãi tai. Tôi chạy xuống nhà nghe thấy các cô gái hỏi ; anh ơi anh học lớp mấy? anh ơi anh có biết bài thơ Bến My Lăng không? Anh ơi anh có đọc " Lá ngọc cành vàng" chưa? Có người ra hiệu cho cô gái vừa hỏi. Cô ta vội hỏi lại, à anh ơi anh ở Hà nội có đọc Hemingway không? Chết cha rồi, họ cứ tưởng bộ đội ta cái gì cũng biết. Tôi đoán ngay đây là sinh viên đại học. Tôi bước ra cửa. Chúng nó ồ lên, kia kìa các cô hỏi thằng kia kìa. Thế là họ bu lại tôi. May mắn ba năm học đại học trước khi đi lính mình cũng đọc nhiều sách nên trả lời không đến nỗi. Nhưng có điều tôi không để ý là ở bên số nhà 160 Phan Đình Phùng có hai người đàn ông đứng nghe chúng tôi trò chuyện với các sinh viên . Khi đám sinh viên đi rồi thì tôi cũng vội vã chuồn ngay với thằng Sỹ ( Dinh Ngoc) ra cửa Hạ viện chụp ảnh. 8 giờ sáng quay về nhận lệnh lên Trung đoàn ( đóng trong trường Lê Quí Đôn ) nhận nhiệm vụ giao lưu với giáo viên học sinh trường Lê Quí Đôn cùng 3 anh giáo viên cấp 3 là lính trung đoàn tôi. ( đó là chuyện tôi hát ở cuôc gặp gỡ thày trò trường LQĐ)
Chiều ấy tôi đứng ở cửa nhà 162 , một ông già chừng ngoài 50 tuổi bên nhà 160 rụt rè nói. Tôi mời anh sang nhà tôi xơi nước. Tôi ngước nhìn tấm biển trên cửa nhà có chữ BÁCH KHOA. bên dưới là ghi dây nói .. trị sự gì gì đó mà tôi ít hiểu. Ngó quanh không thấy ai tôi mới mạnh dạn bước vào nhà. Trong nhà có một người đàn ông nữa áo quần rất tươm tất và một bà chừng là chủ nhà. Ông Chủ nhà nói: - Thưa quí anh. Tôi vội nói luôn bác cứ gọi cháu là cháu . Bố cháu chắc ít tuổi hơn hai bác. Hai ông già nhìn nhau rồi thân thiện hơn. Ông chủ nhà nói:
- Tôi là Lê Ngộ Châu chủ bút tạp chí Bách Khoa và đây là anh Nguyễn Huy Nhân quản lí HC tòa soạn. Sáng nay tôi có nghe anh nói chuyện với các cô sinh viên sài gòn tôi đoán anh có học hành chi đó hả? Tôi trả lời luôn, dạ vâng cháu học hết năm thứ 3 đại học Bách Khoa CƠ Điện mới đi bộ đội . Lúc này thì họ nhìn nhau và hỏi, thế anh là cấp gì chứ? Tôi cười cháu là chiến sĩ thôi. Cả ba người đều ngạc nhiên.
Ngày hôm sau. 2/5/1975 tòa soạn Bách Khoa có đông người đến. Ông Lê Ngộ Châu lại sang mời tôi sang uống nước. Ông chỉ vào một người nhỏ không mập giới thiệu với tôi, đây là anh Lê Văn Trung. Chỉ vào một người mập hơn giới thiệu đây là nhà văn Vũ Hạnh . Rồi có một người trẻ tuổi đưa cho tôi cái danh thiếp ghi tên Lê Văn ĐỊnh. 108/3 Đồng Tâm 1 Gò Vấp. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái " cạc vi dít " là ở đây.
Có một điều rất vui. Bà vợ ông Lê NGộ Châu một hôm chứng kiến tôi gọt mướp và nhặt rau giúp anh nuôi thuần thục nhanh nhẹn thì nể quá. Ông Châu hỏi tôi, anh ghi họ tên anh vô tờ giấy này cho tôi được không? Tôi vui vẻ viết tên mình và cả quê Vĩnh Phú nữa. Ông ấy nói tôi cũng ở Vĩnh Phúc Yên đây. Rôi ông khen, chữ anh đẹp quá. Bộ đội Bắc Việt thật tuyệt.
Ngày 3/5 Ông Nhân phụ trách hành chánh tạp chí Bách Khoa ngỏ ý đưa tôi về nhà thăm nhà cho biết nhà. Tôi đeo cả súng ngồi lên chiếc xe PC của ông về tận Phú Nhuận.
Chỉ tiếc chúng tôi ở trong Sài gòn đến 6/5/75 là rút về CỦ Chi. Sáng hôm lên đường rời Sài gòn. Xe chúng tôi dàn hàng trên phố Phan Đình Phùng ( bây giờ là Nguyễn Đình Chiểu) Ông bà Lê Ngộ Châu ra tận xe đưa cho tôi một gói như một cái khăn nhỏ . Ông bà nói khẽ cháu mang ấy chỉ vàng đi mà tiêu dùng.. Tôi cúi đầu cám ơn và nói rằng như vậy cháu bị kỉ luật nhà binh đó. Ông Lê Ngộ Châu rụt tay lại . Xe chạy, ông bà Lê Ngộ Châu và ông Nguyễn Huy Nhân vẫy tay mãi . Vậy là Sài Gòn với tôi xa từ hôm ấy. Sau này tôi có nhiều dịp quay trở lại đây công tác, tôi thường đến khúc phố này ngắm nhìn những cây Long não, cổ thụ và những ngôi nhà xưa cũ và nhớ tới những người dân Sài Gòn xưa với biết bao thương mến trân thành. Những người Sài gòn lần đầu tiên tôi gặp và suốt đời tôi nhớ

6/5/1975

Tạm biệt ông bà Lê Ngộ Châu và ông Nguyễn Huy Nhân, tạm biệt dãy phố mới quen có " Tạp chí Bách Khoa" và nhà thi đấu Thể thao với hàng cây Long não cổ thụ xe chúng tôi chạy từ Phan Đình Phùng ra đường Lê Văn Duyệt rồi chạy ra Bảy Hiền. Tiểu đội tôi đi xe riêng.( những xe này về đến Đồng Dù bị trung đoàn tịch thu ( he he!)
Tôi ngồi trên cái xe "Đốt " thằng Tiến US lái. Thằng Ngô Thịnh chạy một cái zeef A2 , Tàì xế của tiểu đội tôi mới học lái từ hôm 29/4 đến hôm nay là 7 ngày. Tuy rằng có lúc xe chạy ngòng ngoèo leo lên vỉa hè rồi lại tụt xuống, lính ta thản nhiên như không. Thế mà chả đâm vào ai. Vì dân tình nhìn thấy bộ đội chạy cả trăm xe họ đã dạt ra rồi. Trưa ấy lên đến Tân Phú Trung cả trung đoàn hạ trại. Tiểu đoàn tôi được lệnh triển khai 1 đại đội, 2 khẩu cối 82 vây ấp Bầu Tre vì có nguồn báo là chừng vài chục tàn quân địch tụ lại trong bàu. Tôi và 2 trinh sát là Ngô Thinh và Nguyễn Minh dẫn đường cho 2 b của c6 với 1 b c8 lội chừng vài km. Bọn tôi chỉ mục tiêu, lính C8 cho mỗi khẩu cối 82 bắn 2 quả . Bộ binh bắn vài quả B40 bốc lửa trong lùm tre rồi rút. Chả biết có thằng địch nào trong đó không, chỉ thấy cò vạc bay tung tóe.
Chúng tôi chán đánh nhau lắm rồi. Mà lúc ấy nhìn ai cũng thấy lành hiền tất cả.

Tối hôm ấy ngủ lại ở trường tiểu học Tân Phú Trung ngay Ấp Chợ, bên cạnh hai cái lô cốt mà một tuần trước đây tiểu đòan tôi công phá mãi không xong. Ngay bên ngõ kia là chỗ Phí văn Măng trúng đạn. Ngô Thịnh và thằng Phương còn vuốt mắt cho Măng trước khi ôm súng bắn bắn cả băng đạn về phía cái xe tăng và địch đang chạy về cầu Bông. Cũng hôm ấy tiếc ngẩn ngơ vi dấu được tập họa báo toàn ảnh gái Mỹ cởi trần trong ngăn bàn học trò (vì sợ dính kỉ luật) .

Thế mà thằng nào nẫng mất. Cấm không dám kêu.

Ở đây 4 ngày rồi mới về Sư đoàn trong căn cứ Đồng Dù.

Bốn ngày ấy sinh ra bao nhiêu chuyện với A trinh sát của mình. Bắt đầu là mất cái xe Đốt, sau đó là mất khẩu AK. May mà hồi đó súng ống quá nhiều, mình xin được một khẩu AK mà địch nó bắt tù binh ta nó trưng bày trong Đồng Dù. Những súng này lại do nhà văn Khuất Quang Thụy bây giờ coi giữ. Xin hắn được súng rồi lại phải tặng một an- bum nhấp nháy cho lão Cơ quân khí tiểu đoàn để lão thay số súng. Thế là xong. Trưa ngày thứ 2 nắng chang chang tôi và Ngô Thịnh đi vào trong ấp, đến chỗ mai táng hơn ba mươi tử sĩ của trung đoàn. Những nấm mồ mới được ngót chục ngày. Chỉ có những đụn cỏ héo quăn mà bà con đắp vội lên và những vệt nước mưa hằn lên nấm đất. Ngôi mộ nào cũng có tấm tôn và tên liệt sĩ viết bằng sơn. Quanh nghĩa trang sơ sài có vài cây bằng lăng hoa tím. Chiều ấy sao mà tôi có cảm giác màu tím bằng lăng ỏ đây nhơt nhạt thế

****
Chúng tôi trở lại Đồng Dù vào ngày 10/5/1975. Thực ra chỉ có trung đoàn tôi trở lại đây muộn như thế còn các E 48, E9, E54, trung đoàn công binh 7 và các đơn vị trực thuộc cùng sư đoàn bộ đã ở đó ngay từ ngày đầu tiên giải phóng. Vì đi phối thuộc với Sư đoàn 10 đánh vào Bộ TTM VNCH nên Trung đoàn tôi mới có cơ may đánh tới dinh Độc Lập rồi ở đó tới ngày 6/5 thì kéo về đội hình ở Củ Chi cách Đô Thành 30 km. Chiều 6/5 đến Tân Phú Trung thì dừng lại tổ chức trận tập kích truy diệt bọn tàn binh chừng trăm tên trong ấp bàu Tre .

Khi về tới Đồng Dù phải qua ba bốn lần chuyển quân trong 2 ngày trời mới điều chỉnh xong vị trí.
Khiếp , căn cứ cũ của sư 25 "Tia chớp Nhiệt đới " rộng quá. Những 8 ki lô mét vuông bằng đúng khu gang thép Thái nguyên thời ấy. Điện nước trường trạm đủ... tận ...răng. Vườn hoa cây cảnh xanh ngời. Các con đường trong căn cứ trải nhựa như phố xá. Tôi lại thấy ở đây rất nhiều những lùm hoa Giấy thứ hoa cánh nhỏ mong manh đỏ rực dưới nắng. Ở rừng mới về, sống trong một khu lính Mỹ cũ nhìn cái gì cũng lạ cũng thích cứ như mình đang sống ở nước ngoài vậy. Mãi về sau này càng nghĩ càng thấy mình ấu trĩ vô cùng. Chả cứ gì lính, đến mấy ông cán bộ cũng tò te trước các trang thiết bị quân sự hiện đại, trước tiện nghi dân sự tân kì. Việc làm được đáng “ nể “ nhất của lính là phá phách những đồ dùng sang trọng mà không phù hợp với đời sống chiến đấu, sau nữa là vút bớt tủ giường sa lông .. thậm chí cả quạt điện cũng không được dùng riêng . Thu gom lại cả hàng đống quạt bàn nộp lên E , những đồ lấy được trong kho quân tiếp vụ cũng ùn ùn nộp E . Chúng tôi bắt đầu làm lấy giường nằm theo gu của lính . Dỡ trần nhà lấy ván ép làm giường để rồi sau đó tự mình chịu cái nóng Củ Chi hầm hập … Buồn cười thế, chả cái dại nào giống cái dại nào. Bao lâu nay đói, bây giờ được ăn uống đầy đủ tôi lên cân vù vù . Chỉ sau hai tháng lên được 6 kí. Cái thằng da nhẻm như tôi mà nước da sau 2 tháng cũng ưng ửng lên. Tôi chả mơ ước gì lúc này tôi chỉ nhớ mẹ, nhớ ruộng đồng, nhớ sách học trò và chỉ muốn ra quân. Ước mong được ra quân cháy bỏng ruột gan .
Chuyện trở về Củ Chi không phải là để kể chuyện phá phách trong căn cứ Đồng Dù. Kể chuyện đó biết bao giờ hết cười hết buồn.Tôi muốn kể về con người Củ Chi về những ngày tháng sống với đồng bào Nam bộ, về những suy nghĩ của mình với tuổi trẻ với đất Củ Chi củ miền Nam mới giải phóng .
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe tới cụm từ ‘Gia binh“. Tất nhiên là tôi hiểu ngay gia binh là gì. Nơi chúng tôi tiếp quản từng vị trí cấp C, đều là trong gia binh.còn bếp ăn và khu D bộ ở nhà vòm của lính cũ. Đây đó ngổn ngang bát đĩa áo quần nồi niêu, ngổn ngang tủ giường đồ dùng gia đình.
Đêm 10/5/75 tôi dọn dẹp nơi ở của mình, dọn dẹp thì ít mà ngồi xem sách vở giấy tờ thì nhiều. Trở về đây tôi ngợp trong sách vở mà 4 năm qua thiếu đói. Chỉ trong 2 ngày tôi đã kiếm riêng cho mình ngót trăm cuốn sách. Tôi cho vào một cái thùng gỗ xem dần. Tôi đọc ngốn ngấu như kẻ ốm dậy ăn giả bữa. Hầu như mỗi ngày tôi đọc một cuốn sách. Lần đầu tiên tôi đọc những cuốn sách giáo khoa miền Nam. Lần đầu tiên tôi được xem những bài viết của học sinh trung học ở chế độ VNCH. Cứ ngồi lặng đi đọc các bài luận của học trò. Cũng vẫn là những bài dậy cho trò lòng yêu nước, hiếu đễ với mẹ cha. Cũng là những bài ca ngợi tổ quốc ta tươi đẹp. Cũng vẫn là những bài máu đỏ da vàng. Ngạc nhiên hơn cả là trong cuốn " Mười Khuôn Mặt Văn Chương " của Tạ Tỵ thì viết hầu hết về các nhà văn miền Bắc. Ngạc nhiên nữa là bài thơ Đồng chí của Chính Hữu cũng có trong chương trình văn khoa. Đêm ấy cứ bâng khuâng, đêm ấy cứ nhìn nét chữ của đứa trò nào đấy con của binh sĩ VNCH trong cuốn tập và nghĩ bây giờ nó đang ở đâu? liệu nó có được đi học lại không?

Nhìn những nồi niêu vung vãi nhìn những bộ áo quần chưa kịp gói ghém chạy loạn mà lũ chúng tôi cứ bần thần. Tôi có cảm giác buồn buồn và "có lỗi." Lạ thế. Hồi ấy tôi rất kiêng kị dùng một thứ đồ gì trong vô vàn đồ dùng ở khu gia binh. Đêm, nằm trong căn cứ, khuya lắm vẫn nghe tiếng Hon da è è ngoài xa và khi bình minh ưng ửng là tiếng xe bên ngoài hàng rào rộn rã. Gần bốn mươi năm nay cứ khi nào nghĩ tới miền Nam là tôi lại nghe bên tai tiếng xe máy lúc trời sắp sáng bên ngoài căn cứ Đồng Dù Củ Chi .

No comments:

Post a Comment